Gò Công là một thị xã trực thuộc tỉnh Tiền Giang được tái thành lập từ năm 1987, phấn đấu phát triển các hoạt đông thương mại dịch vụ và tiềm năng du lịch để xây dựng thị xã Gò Công thành thành phố Gò Công văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị hạt nhân của Vùng kinh tế – đô thị phía Đông của tỉnh.
Giới thiệu thị xã Gò Công
Vị trí địa lý
Thị xã Gò Công nằm ở phía đông tỉnh Tiền Giang, cách Thành phố Hồ Chí Minh 60 km về phía Nam, cách thành phố Mỹ Tho 35 km về phía Đông có vị trí tiếp giáp như sau:
- Phía đông và phía nam giáp huyện Gò Công Đông
- Phía tây giáp huyện Gò Công Tây và huyện Châu Thành, tỉnh Long An
- Phía bắc giáp huyện Cần Đước, tỉnh Long An qua sông Vàm Cỏ.
Diện tích và dân số
Theo thống kê năm 2019, thị xã Gò Công có diện tích 102,36 km², dân số là 99.657 người, mật độ dân số đạt 974 người/km²
Đơn vị hành chánh
Thị xã Gò Công được chia thành 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường (1, 2, 3, 4 và 5) và 7 xã (Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận, Tân Trung, Bình Đông và Bình Xuân).
Lịch sử hình thành và phát triển thị xã Gò Công
Năm 1840, dưới triều vua Minh Mạng vùng đất này là huyện lỵ của huyện Tân Hoà, thuộc phủ Hoà Thạnh, tỉnh Gia Định. Năm 1852 lại nhập vào phủ Tân An vẫn thuộc tỉnh Gia Định. Sau hiệp ước Nhâm Tuất 1862, thực dân Pháp vẫn giữ Gò Công là huyện lỵ của huyện Tân Hoà. Từ năm 1867 là Châu thành, Gò Công của khu Tham biện Tân Hoà thuộc tỉnh Sài Gòn. Từ năm 1924, tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công đặt tại làng Thành Phố. Khi Pháp tái chiếm Gò Công (10/1954), đây vẫn là tỉnh lỵ. Sau hiệp định Genève, từ 1958 đến 1963 là quận lỵ của quận Gò Công thuộc tỉnh Định Tường. Từ năm 1964 đến 30/4/1975 là tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng vẫn đặt thị xã Gò Công là tỉnh tỵ của tỉnh Gò Công. Sau ngày 30/4/1975, thị xã Gò Công được tổ chức đầy đủ các cơ quan hành chính, tổ chức và đoàn thể cách mạng. Từ năm 1976, khi Gò công và Mỹ Tho hợp nhất thành tỉnh Tiền Giang, Gò Công là thị trấn của huyện Gò Công, tiếp theo là thị trấn của huyện Gò Công Đông.
Ngày 16/2/1987, thị xã Gò Công được tái thành lập theo quyết định số 37/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với diện tích 31 km², dân số 48.043 người, gồm 2 phường và 4 xã, trên cơ sở tách một phần đất của 2 xã Tân Đông, Bình Nghị của huyện Gò Công Đông, và phần đất của 2 xã Thành Công và Yên Luông thuộc huyện Gò Công Tây cùng với thị trấn Gò Công.
Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Chính phủ thành lập một số phường thuộc thị xã Gò Công gồm
- Thành lập phường 3 thuộc thị xã Gò Công trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Long Hưng.
- Thành lập phường 4 thuộc thị xã Gò Công trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Long Chánh.
Ngày 9 tháng 12 năm 2003, Chính phủ thành lập phường 5 thuộc thị xã Gò Công trên cơ sở 160 ha diện tích tự nhiên và 7.740 nhân khẩu của xã Long Hòa.
Ngày 21 tháng 1 năm 2008, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công:
- Chuyển các xã Bình Đông, Bình Xuân và Tân Trung thuộc huyện Gò Công Đông về thị xã Gò Công quản lý
- Đồng thời điều chỉnh 580,72 ha diện tích tự nhiên và 2.238 nhân khẩu của xã Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây về xã Bình Xuân thuộc thị xã Gò Công quản lý.
Ngày 14 tháng 4 năm 2017, thị xã Gò Công được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III.
Từ đó, thị xã Gò Công có 5 phường và 7 xã, giữ ổn định đến nay.
Một số địa điểm du lịch tại thị xã Gò Công
- Biển Tân Thành Gò Công
- Dinh Tỉnh Trưởng
- Nhà Đốc Phủ Hải
- Đền thờ Trương Công Định
- Con đường hoa mười giờ
Pencil