Vườn Quốc Gia Tràm Chim là điểm du lịch sinh thái nổi bật của Đồng Tháp, nơi đây là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ, một loài chim cực kỳ quý hiếm, có tên trong sách đỏ.
Giới thiệu vườn Quốc Gia Tràm Chim
- Vị trí: nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Địa điểm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160km
Chi tiết về vườn Quốc Gia Tràm Chim
Vườn Quốc Gia Tràm Chim có tổng diện tích 7.313 ha nằm trong địa giới của 5 xã gồm xã Tân Công Sính, xã Phú Đức, xã Phú Hiệp, xã Phú Thành B, xã Phú Thọ và Thị trấn Tràm Chim, với số dân trong vùng là 30.000 người.
Vườn Quốc Gia Tràm Chim nằm giữa vùng đất ngập nước rộng mênh mông với đặc điểm là “6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng”. Đây là nơi phát triển của thảm thực vật đa dạng với hơn 130 loài khác nhau.
Hệ động vật ở đây nổi bật với hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Một số loài quý hiếm gồm có:
- Ngan cánh trắng.
- Cốc đế, Ô tác, Công đất.
- Choi choi lưng đen
- Cổ rắn, Giang sen.
- Bồ nông chân xám.
- Già sói…
- Và đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, lớn nhất trong họ Hạc – một tài sản thiên thiên vô giá của vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp.
Chức năng của vườn Quốc Gia Tràm Chim là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài chim sếu (Grus antigone), bảo tồn các loài động-thực vật bản địa, các nguồn gen quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Các cột mốc của vườn Quốc Gia Tràm Chim
- Năm 1985, Tràm Chim được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp thành lập với tên gọi là Công ty Nông Lâm Ngư trường Tràm Chim, với mục đích là trồng tràm và khai thác thủy sản, và vừa giữ lại được một phần hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa.Năm 1986, loài sếu đầu đỏ (chim hạc, sếu cổ trụi), được tái phát hiện ở Tràm Chim.
- Năm 1991, Tràm Chim trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim cấp tỉnh, nhằm bảo tồn loài sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii).
- Năm 1994, nơi đây trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tràm Chim, cấp quốc gia, theo Quyết định số 47/TTg ngày 2 tháng 2 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo thông tư số 4991/KGVX, với diện tích 7.500 ha. Tháng 9 năm 1998, dự án đầu tư của khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim được Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng II Thành phố Hồ Chí Minh chỉnh sửa theo đó diện tích khu bảo tồn là 7.313 ha.
- Năm 1998, nơi đây trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim theo Quyết định số 253/1998/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngày 22/5/2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới.
- 2016, gần 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên cò ốc làm tổ, đẻ trứng cả đàn có đến ngàn tổ. Chị Nguyễn Thị Nga (Trung tâm bảo tồn, phát triển sinh vật) cho biết, thường thì cò ốc về vườn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Trước năm 2000 thi thoảng mới thấy một con cò ốc bay về. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng cò ốc đã bị tuyệt chủng rồi. Trước tình trạng nguy cấp này, năm 2007 cò ốc được đưa vào Sách đỏ Việt Nam để bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhờ khai thác lợi thế thiên nhiên một cách bền vững trong công tác bảo tồn, vườn quốc gia Tràm Chim đã và đang ngày càng hấp dẫn du khách gần xa, bởi vẻ đẹp riêng có và nhiều hoạt động lý thú.
Du khách đến vườn Quốc Gia Tràm Chim vào mua nước nổi có thể được thưởng thức rất nhiều những món ăn đặc sản của Tràm Chim như bông súng mắm kho, lẩu cá linh, chuột nướng lu,… Tuy nhiên, nếu muốn quan sát các loại chim thì nên đi vào mua xuân tầm tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Đến đây, du khách sẽ được đi xuồng ngoạn cảnh vườn, tham quan đồng sen, trải nghiệm mùa nước nổi hay ngắm sếu đầu đỏ vào mua khô.
Đặc sản tại vườn Quốc Gia Tràm Chim
- Cá lóc nướng trui
- Cá kho bông súng
- Ốc hấp tiêu
- Lẩu cua đồng
- Lươn um xả
- Chả cá chiên giòn
- Khô cá lóc
- Cá trèn
- Cá chạnh nướng
Pencil