Miếu Bà Ngũ Hành Long An

Miếu Bà Ngũ Hành là điểm hành hương tâm linh của nhiều du khách khi về thăm Long An. Miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương – là vị thần được thờ rất nhiều ở các đình Nam bộ giúp cho phong điều vũ thuận – quốc thới dân an.

Giới thiệu Miếu Bà Ngũ Hành

  • Vị trí: tọa lạc tại chợ Long Thượng, đường tỉnh 835B, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

Chi tiết về Miếu Bà Ngũ Hành

Miếu Bà Ngũ Hành được xây dựng trên diện tích 520m2, mặt tiền đối diện với chợ Long Thượng.

Ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng của cộng đồng địa phương, Miếu Bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thờ 5 vị phúc thần được triều đình sắc phong (năm Duy Tân thứ 8) là: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi. Ngoài ra, trong miếu còn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân, các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tả Ban, Hữu Ban

Miếu là cái đền thờ, Ngũ hành là 5 yếu tố vật chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ luôn vận động, chuyển dịch. Theo thuyết âm dương ngũ hành, 5 yếu tố trên thuộc âm nên trong dân gian gọi chung là Bà.

Miếu mang kiến trúc của một ngôi đình làng, miếu Bà Ngũ Hành từ khi hình thành đến nay đã là nhu cầu tinh thần của nhân dân ở Cần Giuộc và xung quanh với lễ hội truyền thống mang tên: Lễ vía Ngũ hành Nương Nương, thu hút hàng chục ngàn người.

Miếu Bà Ngũ Hành ngày nay lợp bằng ngói âm dương vách và hệ thống cột bằng bê tông. Miếu được xây theo kiểu kiến trúc đình làng Nam bộ gồm 2 nhà vuông nối nhau, trong miếu có bàn thờ chánh đặt ở giữa. Miếu Bà Ngũ Hành còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như bao lam, hoành phi, liễn đối, khánh thờ chạm trổ tinh vi, thếp vàng rực rỡ.

Qua nhiều lần trùng tu, Miếu vẫn giữ được kiến trúc tứ trụ, nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, đặc biệt là những tư liệu phong phú và quý hiếm, là đối tượng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Hàng năm, Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành được tổ chức vào các ngày 18, 19, 20 và 21 tháng Giêng Âm lịch với các hoạt động, nghi thức nghệ thuật, diễn xướng dân gian: Cầu an, nhạc lễ, chầu mời, thỉnh bà, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng,… thu hút hàng chục ngàn người từ khắp nơi trong và ngoài địa phương đến cúng viếng, cầu năm mới bình an, tài lộc. Lễ hội còn là dịp để nhân dân giao lưu, củng cố tình đoàn kết cộng đồng; đồng thời, tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa địa phương, góp phần gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Lễ vía Bà Ngũ hành ở Long Thượng là dịp để quần chúng nhân dân địa phương giao lưu, thông cảm, củng cố tinh thần cố kết cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước, thu hút hàng ngàn lượt người hành hương từ khắp nơi đổ về. Riêng chương trình Hát bóng rỗi diễn ra khá đặc sắc và thực hiện khá đầy đủ các nghi thức trong hệ thống nghi lễ của của chương trình Hát bóng rỗi. Đây là đối tượng để các nhà nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Nam bộ nghiên cứu.

Pencil

Điểm du lịch miền tây

Ý kiến bình luận