Lăng Hoàng Gia

Lăng Hoàng Gia tại Gò Công là nơi thờ tự và lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng, trong đó có ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dụ (dân gian gọi Từ Dũ), vợ vua Thiệu Trị. Đây là di tích lịch sử nổi tiếng thu hút nhiều nhà nghiên cứu và du khách đến thăm.

Giới thiệu Lăng Hoàng Gia

  • Vị trí: thuộc ấp Lăng Hoàng gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Địa điểm nằm cách thị xã Gò Công khoảng 2km và cách thành phố Mỹ Tho khoảng 40km.

Chi tiết về Lăng Hoàng Gia

Lịch sử xây dựng

Lăng Hoàng gia được xây trên gò Sơn Quy (có hình con rùa nên dân gian gọi là Gò Rùa, sau được vua Tự Đức đổi thành Sơn Quy). Khu lăng được xây dựng năm 1926 trên diện tích gần 3.000m2, gồm có lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, là ông ngoại Vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ), vợ vua Thiệu Trị.

Vào cuối thế kỹ thứ XVI ông Phạm Đăng Long (cha ông Phạm Đăng Hưng) theo cha vào vùng Gò Công, là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích. Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Qui), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Qui. nên quy tập mồ mả 3 đời về đây và xây nhà ở gò đất này.

Kiến trúc độc đáo của khu Lăng Hoàng Gia

Phần mộ được xây dựng theo dạng đỉnh trụ hình nón trang trí xung quanh 8 đóa hoa sen. Tấm bia đá của vua Tự Đức viếng ông ngoại được chạm khắc dựng ngay cạnh mộ; nhà thờ với các cột thờ được sơn son thếp vàng cùng 13 ngôi mộ cổ của dòng họ Phạm Đăng. Đây là khu lăng mộ có tính thánh địa, phản ánh văn hóa mộ táng và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của thời Nguyễn, nghệ thuật chạm khắc truyền thống điêu luyện của các nghệ nhân vùng đất Gò Công.

Qua cổng tam quan được cất theo kiến trúc cung đình, trên mái lợp ngói lưu ly, đỉnh chạm trổ tượng mang hình ảnh cá chép trông trăng thể hiện cho sự thanh cao của chủ nhân.

Mộ được xây dựng với kiểu kiến trúc hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc mũ triều phục. Bốn trụ thấp cách điệu giữa búp sen và chiếc nón cùng biểu tượng đôi cá vượt vũ môn được đặt phía trước. Sau bức hoành phi là bốn con rồng ngự trị trên cao giương cặp mắt sáng quắc (hiện tại chỉ còn ba con, một con bên phải đã bị hư hỏng vì thời gian). Phía dưới là hình tượng ngũ lân (tượng trưng cho ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam; ngụ ý năm đời đều danh giá) khảm trai hình độc đáo (hiện con ba con đã bị hư hỏng nặng phần đầu và chân).

Tại nơi đây có 2 tấm bia ghi nhận công trạng của ông Phạm Đăng Hưng

  • Nhà Bia phía bên phải được làm vào năm 1849 bằng đá cẩm thạch trắng (đá Non Nước ở Đà Nẳng). Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn bị Pháp lấy đem vào đất Thánh Tây Mạc Đỉnh Chi làm mộ bia cho Đại Uý Berbê vừa bị nghĩa quân Trương Định bắn chết. Năm 1999 tấm bia này đã được chuyển về đây.
  • Nhà Bia bên trái là bia do vua Thành Thái cho làm lại bằng đá hoa cương (đá Ganis) năm 1899. Nội dung cũng giống như tấm bia ban đầu là ghi lại công trạng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng và dòng họ Phạm ở Gò Công là “Thích Lý của triều Nguyễn”.

Cùng nằm trên khuôn viên Lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc hình chữ nhật.

Cách Lăng 30m về bên phải là nhà thờ dòng họ Phạm Đăng:

  • Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
  • Gian tả (trái) thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long, cha của Phạm Đăng Hưng.
  • Gian tả ngoài thờ Mỹ Khá tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng.
  • Gian hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Danh, ông nội Phạm Đăng Hưng.
  • Gian hữu ngoài thờ Thiềm Sư Phủ Phạm Đăng Khoá, ông sơ Phạm Đăng Hưng.

Nhà thờ được kiến tạo năm 1888 thời vua Thành Thái và năm 1921 thời vua Khải Định. Đây cũng là thời kỳ nước ta chịu 30 năm thống trị của thực dân Pháp. Do vậy, kiến trúc nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng không ít những vẫn giữ kiểu nhà ba gian đậm nét Việt Nam.

Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử văn hoá có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Nam Bộ nói chung và Gò Công nói riêng. Nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật hài hoà giữa Âu và Á nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống dân tộc được thể hiện qua các mãng chạm khắc trong nhà thờ và trên lăng mộ.

Năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia.

Pencil

Điểm du lịch miền tây

Ý kiến bình luận