Làng bột Sa Đéc là một trong những nghề truyền thống tại Sa Đéc, nghề làm bột ở đây đã tạo nên danh tiếng, lặng lẽ đóng góp cho sự phồng thịnh của quê hương Đồng Tháp. Đến làng bột Sa Đéc, du khách sẽ được tham quan quy trình làm bột truyền thống và thưởng thức nhiều loại bánh với hương thơm và vị ngọt đặc trưng độc đáo.
Giới thiệu làng bột Sa Đéc – Khu ẩm thực làng bột Sa Đéc
- Vị trí làng bột Sa Đéc: làng bột Sa Đéc tập trung chủ yếu ở phường 2, xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông của thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng
- Vị trí khu ẩm thực làng bột Sa Đéc: tọa lạc tại 91, đường ĐT.848, khóm 2, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp
Chi tiết về làng bột Sa Đéc
Người ta không biết rõ đích xác nghề làm bột ở đây đã ra đời vào ngày, tháng, năm nào, người khai sáng ra nó là ai nhưng từ đời này sang đời khác đều truyền miệng nhau là nghề bột ở Sa Đéc đã có hàng trăm năm nay.
Nghề làm bột ở Sa Đéc tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, về sau lan ra ở phường 2, phường 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây… Ban đầu, với cách làm thủ công đơn giản, nhiều cơ sở không phải thuê mướn nhân công mà bắng sức lao động của người thân trong gia đình. Gạo, nếp là nguyên liệu chính được thu mua từ những nông dân tay lấm chân bùn ở trong làng hoặc những nơi lân cận.Nguồn nước để làm bột sẵn có dồi dào ở sông Tiền, sông Sa Đéc nước ngọt quanh năm, không nhiễm phèn bị chua, lợ… chính yếu tố này đã làm cho làng bột Sa Đéc trắng phau, mịn nhuyễn mà không nơi đâu sánh kịp.
Gạo, nếp được ngâm nước cho mền hạt, chắt ráo nước để vào cối đá xay cho nhuyễn, xong đâu đó chan ra nhiều lu, khạp hoặc hồ xây bằng xi măng rồi đổ nước vô ngâm. Hằng ngày, phải tẻ nước thành nhiều đợt, thay nước mới ít nhất một tuần. Để cho bột thật nhuyễn, lọc ra cho thật ráo. Đoạn bẻ bột bày ra nia, ra vỉ, đem phơi độ ba, bốn nắng cho thật khô là có sản phẩm bột.
Với cách làm truyền thống trên đây, ngày nay chỉ còn được trân trọng lưu giữ trong một số gia đình, xem đó là những kỷ niệm; cũng có những gia đình nhân khi giỗ chạp mà sử dụng cách làm bánh dâng lên tổ tiên, để nhớ về xa xưa tiền nhân đã dày công khởi nghiệp cho con cháu đời sau phụ phẩm…
Làm bột hiện nay đã tân tiến rất nhiều; các cơ sở, các hộ sản xuất bột đã áp dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, đã cơ giới hóa, điện khí hóa trong nhiều khâu quy trình sản xuất bột; đã có máy vo, máy nghiền, thiết kế giàn ép bột tươi, bồn lắng, hệ thống bơm hút phụ phẩm…
Thị trường tiêu thụ bột ngày nay đã phát triển rất nhiều, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 80-90 tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo… Ngoài ra, bột Sa Đéc còn được cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của thành phố Hồ Chí Minh, khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và xuất khẩu đi một số nước.
Chỉ riêng nghề làm bột ở Sa Đéc đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, sản lượng bình quân trên 50 ngàn tấn bột trong năm. Với những phụ phẩm từ việc sản xuất bột đã góp phần đáng kể cho việc phát triển về chăn nuôi.
Sản phẩm bột được chia thành hai loại: bột tươi ướt, được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng để dự trữ lâu, chế biến dần. Từ bột, người ta chế biến ra hàng chục mặt hàng rất hấp dẫn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội như: bánh phở, bánh hủ tiếu, miến, bún và một số các loại bánh, kẹo, sản phẩm ăn liền…
Nghề làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến về nhiều mặt, Đảng bộ và chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển nghề truyền thống này, đưa nghề làm bột lên ngang tầm trong thời kì mới của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Đề án nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất bột Sa Đéc” được ban hành và tổ chức thực hiện từ những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáng phấn khởi.
Nghề làm bột ở Sa Đéc đã được công nhận “làng nghề truyền thống”; một nghề đã đi qua mấy thế kỷ, thăng trầm với những biền đổi của thời cuộc và đã góp phần không nhỏ cho tiến trình phát triển của một vùng đất trù phú, mến yêu, rợp cây xanh bóng mát bên dòng sông hiền hòa chứa chang vị ngọt quanh năm.
Chi tiết về khu ẩm thực làng bột Sa Đéc
Ý tưởng lập nên một điểm du lịch, nơi đó du khách có thể vừa tham quan làng nghề vừa thử tự tay xay bột, làm bánh, vừa là nơi thưởng thức các món bánh làm từ bột như đến khu ẩm thực là một ý tưởng thú vị. Khu ẩm thực Làng Bột Sa Đéc được ra đời trên ý tưởng đó.
Khu ẩm thực có tổng diện tích gần 1000 m2 là một không gian ẩm thực đậm chất dân dã ở Đồng Tháp. Thoạt nhìn từ bên ngoài, khu ẩm thực này không khác mấy so với các khu dịch vụ ăn uống của người dân miền Tây. Tuy nhiên, bên trong là một không gian thôn quê yên lành, thư thái của một làng bột thu nhỏ.
Các du khách đến đây sẽ được thăm quan làng nghề làm bột truyền thống và thưởng thức các loại bánh làm bằng bột bột đậm cực kỳ đặc sắc, hấp dẫn.
Tại đây còn có các gian hàng bày bán các sản phẩm của bột, các sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng của Đồng Tháp, bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè, người thân.
Sự ra đời của khu ẩm thực làng bột Sa Đéc đã tô điểm thêm cho bản đồ du lịch tỉnh Đồng Tháp nói chung và TP.Sa Đéc nói riêng… Đồng thời góp phần quảng bá văn hoá và hình ảnh làng nghề bột gạo Sa Đéc nổi tiếng trăm năm tuổi.
Đến với Khu ẩm thực làng bột Sa Đéc, du khách sẽ cảm thấy mê mẩn với hàng chục loại bánh dân dã của vùng đất Nam Bộ như: bánh xèo, bánh lá mít, bánh ít trần, bánh tằm ngọt, bánh chuối, bánh bò, bánh đúc, bánh tét, bánh tằm bì, bánh canh, gỏi cuốn, chả giò… những tên bánh không chỉ quen thuộc với nhiều người mà còn gợi nhớ về miền ký ức tuổi thơ.
Ngoài các loại bánh khu ẩm thực còn phục vụ thêm các món ăn đồng quê đặc trưng của Đồng Tháp như: lẩu mắm Đồng Tháp, hủ tiếu Sa Đéc, bún mắm, cá lóc nướng trui, cá linh… Để hoàn toàn chinh phục được vị giác thực khách khó tính, khu ẩm thực làng bột Sa Đéc luôn biến tấu, thay đổi menu liên tục để bánh thu hút từ hương vị đến màu sắc.
Pencil