Chùa Ông Bổn là một ngôi chùa tiêu biểu của người Hoa tại Sóc Trăng. Chùa nổi tiếng với kiến trúc độc và có nhiều cổ vật quý hiếm. Du khách đến tham quan sẽ rất thú vị với kiểu mỹ thuật phương Đông đầy tinh tế của ngôi chùa này.
Tổng quan về chùa Ông Bổn
Vị trí và đường đi đến chùa Ông Bổn
- Vị trí: tọa lạc tại số 09, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 1, thành phố Sóc Trăng
- Đường đi: từ công viên 30/4 tại trung tâm thành phố Sóc Trăng, du khách đi theo đường Hai Bà Trưng về hướng Cầu Quay, chạy khoảng 400 đến đường Nguyễn Văn Trỗi rẽ phải chạy tiếp 50m là đến chùa Ông Bổn nằm bên tay trái.
Tên gọi của chùa Ông Bổn
Ngoài cái tên thường gọi là chùa Ông Bổn, chùa còn có tên gọi khác là chùa A Côn hay Hòa An hội quán. Những tên gọi này xuất phát từ quá trình phát triển, thay đổi của ngôi chùa cùng những tình cảm mà người dân Sóc Trăng dành riêng cho nó.
Kiến Trúc chùa Ông Bổn
Chùa Ông Bổn mang đậm phong cách Trung Hoa cổ đại. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng hình chữ “phú”, mang ý nghĩa phú quý. Trên tường 2 bên có chữ Hán “Tăng Phước”. Chính điện của chùa Ông Bổn Sóc Trăng là nơi thờ Trịnh Ân tức Cảm Thiên đại đế. Bên trong chùa có cả miếu thờ Thổ Địa.
Lịch sử hình thành chùa Ông Bổn
Chùa Ông Bổn Sóc Trăng ra đời cách đây đã gần 150 năm. Chùa được xây dựng bởi người Hoa. Ngôi chùa này có không gian thanh tịnh, thoáng đãng, đậm nét phương Đông.
Ban đầu, chùa chỉ là một ngôi chùa nhỏ, qua thời gian, nó đã được xây dựng với quy mô như hiện tại. Trải qua 6 lần tu sửa, tuy vậy ngôi chùa vẫn giữ được cho mình nguyên vẹn nét kiến trúc từ ban đầu.
Năm 2004, chùa Ông Bổn Sóc Trăng được công nhận là di tích văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh. Nơi đây có ý nghĩa quan trọng và cần được bảo tồn.
Tham quan chùa Ông Bổn
Bước vào ngôi chùa, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên với toàn bộ phần chân cột, từ nền tam cấp trong khu vực nội thất cho đến khung cửa chính của ngôi chùa đều được tạc bằng đá tảng. Phía trên cửa chính sẽ bắt gặp bức biển đại tự cổ bằng đá còn khắc chữ “Hòa An Hội Quán” hoàn thành vào năm Tân Hợi 1911 được sơn son thếp vàng rực rỡ.
Ngôi chùa còn giữ nguyên lớp ngói ống âm dương màu xanh và gốm tráng men màu, được dùng tạc tượng. Tiếp đến là đôi cánh cửa gỗ bằng danh mộc họa hình tướng Uất Trì Cung, Tần Thúc Bảo (danh tướng đời Đường) làm hai vị thần hộ môn trông rất uy nghi, lẫm liệt.
Phía trên mái ngói của ngôi chùa là bức tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” sừng sững – đây là hai linh vật thường thấy trong kiến trúc của cung điện, vua chúa hay những nơi linh thiêng ngày xưa. Hai bên cửa chính đi vào điện, người ta chạm khắc rất nhiều những hình vẽ, chữ viết và câu đố dân gian của Trung Hoa để ca ngợi công lao của các vị thần. Còn phía trên, giáp với mái ngói là dàn lồng đèn đỏ phấp phới, làm nổi bật không gian mỗi khi đêm đến.
Ở chính điện chùa Ông Bổn được xây dựng theo chữ “Phước” là kiểu kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa, tạo thành hình chữ nhật. Tại chính điện còn lưu giữ, bảo quản nguyên vẹn 10 biển câu đối bằng gỗ quý và 10 bức hoành phi khắc đại tự bằng tiếng Hán cổ được sơn son thếp vàng, chạm trổ khuôn viền tinh xảo với các đề tài trang trí hướng vào tín ngưỡng tâm linh trong cuộc sống nhân gian.
Trong chánh điện thờ Trịnh Ân, tức Cảm Thiên Đại Đế là vị phúc thần trong tâm thức bà con người Hoa nơi đây; nằm ở bên trái thờ ông Phước Đức và bên phải thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ở khoảng trống hai bên chính điện được xây bàn thờ bằng đá mài và đắp nổi hai bức tranh lớn bằng ximăng “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ” đúng theo thế phong thủy nên tại đây còn có hai khoảng trống thông thoáng gọi là “thiên tỉnh” (giếng trời).
Ngoài ra, còn nhiều phối tự thần linh khác, nên ngôi chùa không chỉ thu hút thiện nam tín nữ người Việt gốc Hoa mà chùa Ông Bổn còn được đông đảo người Kinh, người Khmer địa phương thành tâm đến cúng bái trong những dịp rằm, lễ, tết và đặc biệt là ngày vía Ông Bổn vào 29-3 âm lịch.
Chùa nổi tiếng bởi có rất nhiều cổ vật quý hiếm. Có thể kể tới như tượng gỗ sơn son thiếp vàng thờ Ông Bổn, bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Ông Phước Đức. Hay như bộ lư quỳ cổ hình thái tuế, ba bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen. Hoặc các bộ bàn thờ bằng gỗ quý được chạm khắc 3 lớp và dát vàng rất tinh xảo. Đặc biệt chùa cũng bảo quản nguyên vẹn 10 biển câu đối bằng gỗ quý và 10 bức hoành phi ở 2 bên bàn thờ ông Phước Đức và bà Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Màu sắc chủ đạo của chùa Ông Bổn Sóc Trăng là màu đỏ, trắng và xám tạo nên cảm giác gần gũi và ấm cúng. Đặc biệt, khi bước vào bên trong, du khách sẽ nhìn thấy nội thất của chùa đều được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu đá và gỗ quý. Mái ngói màu đỏ đã phủ một lớp rêu phong cho thấy dấu ấn của thời gian đã phủ lên ngôi chùa này. Còn bên trong các điện thì được lát gạch men trắng, khiến cho du khách mỗi khi đến đây tham quan du lịch đều cảm thấy rất sạch sẽ.
Tổng thể ngôi chùa được “phân kim tam cấp” tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện. Mỗi điện đều lập bàn thờ để thờ cúng những vị thần khác nhau. Những cột đá cao ở giữa được xem là các điểm trụ, được trang trí nổi bật với hình tượng rồng, phượng bên trên trông rất cổ kính và đẹp mắt. Khuôn viên bên trong của các điện đều rộng rãi và thoải mái cho du khách mỗi khi đến thắp hương hay cầu an. Ở trong các điện đều được có những bàn thờ lớn, xung quanh là những bàn thờ nhỏ hơn để thờ cúng các vị thần và Phật tổ.
Với người dân ở Sóc Trăng nói riêng và du khách nói chung, chùa Ông Bổn của người Hoa là một trong những ngôi chùa linh thiêng mà họ lui đến mỗi dịp lễ tết hay lễ rằm để cầu an và xin được ban phước lành cho bản thân và gia đình của mình. Du khách thập phương khi đi Land tour miền Tây để đến Sóc Trăng không nên bỏ qua một địa điểm du lịch và tham quan hấp dẫn như vậy.
Một số hình ảnh tại chùa Ông Bổn