Chùa Đất Sét là một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng với hàng ngàn pho tượng bằng đất sét và 4 đôi nến khổng nặng hàng trăm kg đốt nhiều năm trời chưa tắt khiến nhiều người trầm trồ. Đây là địa điểm nên ghé thăm khi du lịch Sóc Trăng.
Địa điểm chùa Đất Sét
Bản đồ vị trí chùa Đất Sét
- Vị trí: tọa lạc tại số 286 đường Tôn Đức Thắng thuộc phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
- Đường đi: chùa Đất Sét nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng 1.5km, du khách từ trung tâm di chuyển theo đường Hai Bà Trưng qua Cầu Quay, chạy tiếp theo đường Tôn Đức Thắng khoảng 1km là đến chùa Đất Sét.
Tên gọi chùa Đất Sét
- Chùa Đất Sét có tên gọi chính thức là Bửu Sơn Tự. Do bên trong chùa có nhiều công trình, tượng tạc được làm bằng đất sét nên chùa gọi tên là “Chùa Đất Sét”
Công trình xây dựng chùa Đất Sét
- Diện tích: chùa hiện nay tọa lạc trên một diện tích khoảng 400 m2.
Lịch sử hình thành chùa Đất Sét
Chùa Đất Sét được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, do dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia.
Ban đầu, chỉ là một am nhỏ bằng cây lá trên một diện tích nhỏ hẹp, và trong sảnh điện thờ cũng rất đơn sơ. Cơ duyên xây dựng nên chùa Đất Sét bắt nguồn từ con trai của nhà họ Ngô là ông Ngô Kim Tòng. Ông có thân thể ốm yếu, nhiều lần bệnh thập tử nhất sinh. Đến năm 20 tuổi, gia đình nhờ các vị danh sư giúp đỡ nên từ đó, ông bén duyên cùng Phật pháp.
Một đêm ngủ, ông mơ thấy Phật dẫn lối ông về hướng Tây nên quyết định xây một cái am nhỏ, tìm đất sét làm thành tượng phật. Quá trình làm tuy có nhiều khó khăn nhưng cuối cùng cũng viên mãn hoàn thành. Đó là lúc ông yên tâm nhắm mắt xuôi tay và ngôi chùa ngày nay do người em út cao tuổi của ông trông coi.
Chùa Đất Sét nằm yên bình ở một góc đường, tuy nhỏ bé nhưng chùa đất sét Sóc Trăng luôn gây ấn tượng với tuổi đời hàng trăm năm cùng những bức tượng Phật và cây nến độc đáo.
Giới thiết chi tiết về chùa Đất Sét
Bên ngoài, cổng Tam Quan được xây dựng kiên cố và lợp ngói. Phía trước chùa dùng gạch ngói hiện đại và phần bên trong là lối kiến trúc cũ chủ yếu bằng gỗ. Nhìn từ bên ngoài, chùa Đất Sét có vẻ gọn gàng và không khác biệt nhiều so với nhà người dân ở đây.
Phần mái lợp tôn, vách bằng ván, khung đầu bằng gỗ, mái có hình chóp nhọn phía trên và mái thấp xòe ra phía trước tạo cho ngôi chùa như có 2 tầng mái. Chùa quay vào hướng trong và đưa lưng ra ngoài, phía trước gây ấn tượng với những cây cột được dựng bằng đất sét. Đi tiếp vào bên trong bạn sẽ thấy những gian thờ các vị Phật, Ngọc hoàng.
Tất cả các pho tượng và 24 cây cột chống cho toàn bộ chùa đều được làm bằng đất sét, đặc biệt đều do tự bàn tay tài hoa của ông Ngô Kim Tòng làm ra. Bên cạnh đó, các hoa văn và hoạ tiết hình long phụng trong chùa cũng được thể hiện khá tinh tế.
Phía bên hông chùa có một ngôi mộ. Đây là ngôi mộ do Phật tử xây dựng để bày tỏ lòng thành kính người đã xây nên chùa với dòng chữ “Ngô Kim Tòng pháp ân trình toàn tâm” cùng năm sinh, năm mất của đức thầy. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có các miếu nhỏ thờ ông hổ và ông tà; bàn thờ thiên phụ, địa mẫu.
Đi sâu vào bên trong, bạn sẽ nhìn thấy 24 cây cột trang trí hình rồng uốn lượn trên thân là điểm nhấn. Kế đến là tượng “Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận” được xây dựng với khoảng 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị thần ngự. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái Thiên tiên” gồm 8 cung (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài)”. Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát quái có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ.
Tháp Đa Bảo cao 3,5 m, có 13 tầng với 208 cửa vị thần và bên dưới chân tháp có 126 con rồng nâng đỡ tháp. Ngoài ra, còn có lục long đăng (với 3 chóp đỉnh lớn), 7 lư hương nhỏ; và các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã… đều là những hiện vật được tạo tác rất tinh xảo.
Những bức tượng đất sét giản dị nhưng cũng không kém đi phần đẹp mắt được ông Ngô Kim Tòng dành suốt mấy mươi năm ròng rã, đặt tâm huyết và lòng thành của mình để xây dựng. Trong chùa có đến hàng ngàn pho tượng được chính tay ông Ngô Kim Tòng làm nên bằng đất sét. Những bức tượng này có thể không tinh xảo và hoa mỹ như ở nhiều ngôi chùa được đầu tư khác nhưng vẻ đẹp bình dị đó luôn đi sâu vào lòng mỗi người đến thăm chùa.
Bên cạnh các pho tượng đất sét thủ công, chùa Đất Sét còn gây ấn tượng với 4 nến khổng lồ được chính tay ông Tòng đúc nên từ 1940.Trong đó, có ba đôi mà mỗi cây cao 2,6 m, ngang 1 m, và được đúc bằng 200 kg sáp. Cặp còn lại nhỏ hơn, và mỗi cây được đúc bằng 100 kg sáp. Tổng cộng là 1,4 tấn sáp. Để đúc được nó phải dùng sáp nguyên chất, chặt nhỏ, cho vào chảo nấu lỏng, đổ vào khuôn (dùng tôn lợp nhà cuộn lại). Sau một tháng, nến nguội rồi mới gỡ khuôn ra và trang trí. Hiện nay, hai nến nhỏ vẫn cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18 tháng 7 năm 1970) mà vẫn chưa hết. Phỏng tính bình quân mỗi cây nến cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Ngoài ra, tại đây còn có 3 cây hương (nhang), mỗi cây cao 1,5 m, nặng 50 kg và hiện chưa được đốt.
Suốt bao nhiêu năm qua, chùa Đất Sét Sóc Trăng vẫn được những người con trong gia đình họ Ngô thay phiên nhau trông nom và hương khói. Những tài sản, giá trị tinh thần của ngôi chùa đã không còn là của cá nhân mà ngày càng được mọi người biết đến nhiều hơn nữa.
Ngày 12 tháng 10 năm 2010, chùa được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa và ngày 18.7.2013, Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa của chùa được tổ chức kỷ lục Việt Nam cộng nhận là kỷ lục Việt Nam
Một số hình ảnh tại chùa Đất Sét
Pencil