Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa thờ phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang đã tồn tại hơn 3 thế kỷ. Đây là địa điểm luôn được nhắc đến như một điểm hành hương không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Tiền Giang.
Giới thiệu chùa Vĩnh Tràng
- Vị trí: tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Địa điểm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 3km theo hướng Đông Bắc.
Chi tiết về chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 bởi vợ chồng ông Bùi Công Đạt – một vị quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840).
Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.
Năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng kiến ngôi chùa, pha hòa cả nét kiến trúc Á – Âu. Đến năm 1930, Hòa thượng Minh Đằng cho trùng tu toàn diện, tạo nên bộ mặt mới khác lạ của chùa.
Chùa tọa lạc trên khu diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây dựng bằng cả xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc. Chùa được xây dựng thành 4 gian chính nối tiếp nhau: Tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu. Đặt chân đến nơi đây, khách du lịch sẽ không khỏi ngạc nhiên khi cảm nhận được sự hài hòa Á – Âu hoàn hảo trong kiến trúc chùa Vĩnh Tràng.
Là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Nam bộ, điểm nhấn của chùa Vĩnh Tràng là cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ. Từ màu sắc của các loại sành sứ, những nghệ nhân xưa đã khéo léo xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ. Các bức thủ quyển mềm mại ghi những câu Phật hiệu bằng nét chữ điêu luyện: Trấn tịnh sơn môn, Quảng đại nguyện môn, Tịnh độ huyền môn…
Phía trong chánh điện có một hòn non bộ lớn ở giữa. Kiến trúc chánh điện khá đặc biệt vì được xây dựng theo lối kiến trúc La Mã; hòa lẫn với những hàng đá hoa sặc sỡ kiểu Pháp trên nóc.
Bốn cột cái của chùa Vĩnh Tràng Mỹ Tho Tiền Giang đều treo long trụ. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo có một không hai là chạm chim phượng đứng trên đầu rồng. Có thể nói toàn bộ cái đẹp của chùa đều tập trung vào nghệ thuật tạo hình, trong đó phần tượng chiếm đa số.
Không gian bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tại chùa còn có Bộ tượng mười tám vị La Hán không thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương.
Trong khuôn viên chùa có tượng Phật Di Lặc trong tư thế ngồi giữa công viên, có chiều dài 27m, chiều rộng 18 m, cao 20m và nặng khoảng 250.000kg bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Bên trong pho tượng phật A di đà chùa Vĩnh Tràng được tận dụng thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, có giảng đường, nơi nghỉ phục vụ cho 200 người.
Nơi đây còn 1 tượng Phật Thích Ca tư thế nằm hay bị hiểu lầm là Phật A Di Đà. Thật ra hai vị Phật này khác nhau hoàn toàn. Tượng Phật Thích Ca này được hoàn thành vào ngày 15/02/2013 với đế dài 35m; đế cao 7m, ngang 18m. Đức Phật được xây dựng có chiều dài 32m, cao 10m, nặng 250 tấn bằng chất liệu bê tông, cốt thép.
Bên cạnh những tượng Phật khổng lồ, uy nghiêm; chùa Vĩnh Tràng còn có một tòa lầu tháp nằm ở phía sau. Tòa tháp này cao 7 tầng và là nơi lữu giữ tro cốt của các Phật tử và chư tăng trong chùa.
Hiện nay, chùa Vĩnh Tràng vẫn đang tiếp tục đầu tư, xây dựng một số công trình để phục vụ cho công tác Phật sự và nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách như: Giảng đường, Bảo Tháp, hàng rào… Công trình nào cũng được đầu tư và tiến hành hết sức cẩn thận, thể hiện trọn vẹn lòng yêu mến của người dân dành cho ngôi cổ tự tỉnh Tiền Giang.
Năm 1984, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận chùa Vĩnh Tràng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Đây là một địa điểm du lịch Tiền Giang với nét đẹp kiến trúc độc đáo và giá trị tâm linh, du khách không nên bỏ qua khi đến du lịch Tiền Giang.
Pencil